Chuyển đổi số

Lượng khách hàng mới của TPBank tăng 60%

  • Kiều Nga
  • Tue 16 08 2022

Tham gia "Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng" diễn ra sáng 4/8 tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 25 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank, cho biết, TPBank đã vượt hầu hết các mục tiêu về chuyển đổi số theo kế hoạch Chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, số lượng khách hàng mới qua kênh số tăng trưởng 50% đến 60% hàng năm, đóng góp hơn 60% số lượng khách hàng mới của toàn ngân hàng. Số lượng giao dịch qua kênh số chiếm đến 95% tổng số lượng giao dịch của ngân hàng và đạt mức tăng trưởng bình quân hơn 150% so với năm trước đó.

"Chúng tôi vẫn tiếp tục nỗ lực để đạt mục tiêu cao hơn nữa trong hành trình chuyển đổi số và tiến tới đổi mới số toàn diện", lãnh đạo TPBank chia sẻ thêm.

Thủ tướng Chính phủ ghé thăm gian hàng của TPBank. Ảnh: TPBank

Tại sự kiện, TPBank cũng là một trong sáu đại diện ngân hàng được Thủ tướng Chính phủ ghé thăm gian hàng và trực tiếp trải nghiệm LiveBank 24/7 cũng như tính năng chuyển tiền bằng giọng nói VoicePay. VoicePay được TPBank ứng dụng AI, công nghệ máy học machine learning, công nghệ sinh trắc học, cho phép khách hàng chuyển tiền mà chưa tới 30 giây.

Với định hướng trở thành ngân hàng số hàng đầu, TPBank đã đầu tư mạnh mẽ vào hệ sinh thái số ngay từ sớm. Theo Tổng giám đốc TPBank, ngân hàng này đang phục vụ gần 100 % thị phần người sử dụng ví điện tử tại Việt Nam, là đơn vị ngân hàng kết nối nhiều ví điện tử nhất toàn ngành.

"TPBank cũng là một trong những ngân hàng đầu tiên có hệ sinh thái đa dạng, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Chúng tôi còn là một trong những ngân hàng TMCP sớm được lựa chọn để cung cấp dịch vụ chuyên thu ngân sách Nhà nước, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp", ông Nguyễn Hưng nói.

Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank chia sẻ về kết quả chuyển đổi số của TPBank tại sự kiện sáng ngày 4/8. Ảnh: TPBank

Hệ sinh thái số của TPBank bao gồm sự phát triển dịch vụ tài chính không chỉ trên nền tảng của TPBank mà còn mở rộng ra các nền tảng đối tác. Ngoài cung cấp dịch vụ ngân hàng truyền thống, hệ sinh thái số nội tại của nhà băng còn có các sản phẩm, dịch vụ và thiết kế hành trình khách hàng sáng tạo, khép kín.

Đơn cử, ứng dụng TPBank Mobile và TPBank Biz cung cấp các dịch vụ tài chính toàn diện cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Cả hai ứng dụng này đều phát triển mô hình mini app - nhúng dịch vụ của các đối tác từ các lĩnh vực fintech, du lịch khách sạn, thương mại, dịch vụ công... và cho phép khách hàng đăng ký, thanh toán các dịch vụ này một cách nhanh chóng.

Sau 2 năm triển khai, TPBank đã kết nối thành công với hơn 50 đối tác, cung cấp hơn 2.000 dịch vụ thanh toán cho một loạt các lĩnh vực: tài chính bảo hiểm, giải trí du lịch, y tế giáo dục, dịch vụ công, giao thông: nạp tiền thu phí đường bộ không dừng miễn phí, cước container, bất động sản: Cenhomes.vn. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng của các giao dịch thực hiện trên các mini app tăng gấp 7 lần so với năm 2021.

Ngân hàng liên tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ như AI, ML, Big Data, Blockchain, RPA vào công cuộc xây dựng và phát triển hệ sinh thái số. Điển hình như mạng lưới 500 điểm giao dịch ngân hàng tự động LiveBank 24/7 và mới đây là phiên bản nâng cấp LiveBank+ của hệ thống này. Công nghệ RPA giúp TPBank tự động hóa bộ máy vận hành của một ngân hàng truyền thống, đẩy nhanh thời gian phục vụ khách hàng, từ đó tiết kiệm các nguồn lực đáng kể cho ngân hàng.

Tại sự kiện, ông Nguyễn Hưng cũng nhấn mạnh kế hoạch hoàn thiện hệ sinh thái số thông qua việc tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các dịch vụ cung cấp trong hệ sinh thái số. Trọng tâm là đẩy mạnh kết nối với các công ty fintech và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính không phải ngân hàng (bảo hiểm, chứng khoán...) giúp làm giàu hệ sinh thái của các đối tác, tạo điều kiện cho sự phát triển chung của toàn ngành kinh tế.

An Nhiên