Ngày 7/9/2021, El Salvador ban hành Luật Bitcoin, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng tiền mã hóa làm tiền tệ quốc gia, mặc cho nhiều chuyên gia cảnh báo.
Áp phích quảng cáo Bitcoin bên ngoài một quầy tạp hóa ở bãi biển El Zonte thuộc Chiltiupan hồi tháng 6/2021. Ảnh: Reuters
Ủng hộ Bitcoin bất chấp tranh cãi
Trước khi luật về Bitcoin có hiệu lực, đã có nhiều vấn đề xảy ra. Thay vì thông báo cho người dân, Tổng thống Nayib Bukele lại công bố thông tin đang gửi dự luật liên quan đến Bitcoin tại một hội nghị về tiền số vào tháng 5/2021 ở Miami (Mỹ). Trước đó, ông từng lên Twitter chia sẻ thói quen mua Bitcoin ngẫu hứng, như khi khỏa thân hoặc trong nhà vệ sinh.
"Tôi đã sốc khi nghe thông báo. Không ai biết chuyện gì xảy ra cả. Tôi gọi cho các nguồn tin thân cận thuộc chính phủ El Salvador nhưng cũng không ai nắm được gì", Mariana Belloso, một nhà báo độc lập, nhận xét khi đó.
Sau khi thông qua Luật Bitcoin, Bukele lên Twitter nói về sự phấn khích của mình, bày tỏ tham vọng khai thác Bitcoin bằng năng lượng địa nhiệt cũng như chia sẻ tầm nhìn về tiền số. Toàn bộ nội dung được viết bằng tiếng Anh.
Quyết định gây tranh cãi nhất sau khi chấp nhận Bitcoin của Bukele là ra mắt ví tiền số Chivo Wallet và xây dựng một loạt ATM Bitcoin, đồng thời hứa tặng mỗi công dân 30 USD tiền số để sử dụng. Dù vậy, sau khi ra mắt, ví thường xuyên gặp lỗi, cũng như bị biến thành công cụ cho tội phạm. Theo thống kê, gần 1.000 trường hợp đánh cắp danh tính ví đã xảy ra chỉ trong ba tháng đầu.
Ngày 15/9/2021, hàng nghìn người El Salvador xuống đường để phản đối việc ban hành luật. Theo một cuộc thăm dò ý kiến do Đại học Trung Mỹ thực hiện khi đó, 7/10 người El Salvador được hỏi nói họ phản đối Luật Bitcoin, gồm cả những chuyên gia hàng đầu về tiền số và blockchain.
Tháng 11 cùng năm, Bukele công bố dự án mới có tên là Thành phố Bitcoin, đặt tại vùng núi lửa Conchagua. "Từ trước đến nay, người dân El Salvador vẫn tận dụng địa thế các vùng xung quanh núi lửa để canh tác do đất đai màu mỡ. Núi lửa là biểu tượng mang lại sự sống cho người Salvador. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã biến đổi", Giáo sư Jorge Cuellar của Đại học Dartmouth nhận xét.
Phác thảo "Thành phố Bitcoin" được Tổng thống Bukele đăng trên Twitter.
Bukele cho biết ông lấy cảm hứng từ một câu chuyện của người dùng Reddit có tên Luka Magnotta vào năm 2013. Magnotta nói ông ta đến từ tương lai và mô tả xã hội khi đó "không có ngân hàng trung ương", còn những người có Bitcoin sớm "sống như những vị vua trong các thành phố có tường bao quanh".
Để thu hút đầu tư cho Thành phố Bitcoin, chính phủ El Salvador đã thông qua "trái phiếu núi lửa" trị giá hơn một tỷ USD. Một nửa được dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng và số còn lại để mua thêm Bitcoin mới. Đến nay, Bukele tuyên bố đã mua 2.400 Bitcoin với giá hơn 100 triệu USD. Hiện lượng tiền số này sụt 60% giá trị do biến động thị trường, còn "trái phiếu núi lửa" không được giới đầu tư mặn mà.
Hàng loạt nguy cơ hiện rõ
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo quốc gia Trung Mỹ nên loại bỏ Bitcoin nếu muốn cứu nền kinh tế. Quốc gia Trung Mỹ đang nợ 23 tỷ USD và phải trả 800 triệu USD cho IMF vào năm 2023. Nếu không thể thanh toán, họ có nguy cơ trở thành quốc gia đầu tiên vỡ nợ vì Bitcoin.
Yếu tố môi trường khi xây dựng Thành phố Bitcoin cũng gây lo ngại. Theo công bố của Bukele, nguồn địa nhiệt từ núi lửa là năng lượng sạch để khai thác Bitcoin, nhưng thực tế nước này hiện chỉ khai thác được khoảng 27%. "Đó vẫn là nguồn năng lượng cực kỳ đắt đỏ. Để xây dựng cơ sở hạ tầng đó đòi hỏi rất nhiều vốn, lại gây hại cho môi trường trong quá trình thực hiện", giáo sư Cuellar nhận xét.
Cũng theo ông, việc xây dựng nhà máy điện cần nhiều nước ngầm. Trong khi đó, El Salvador vốn là quốc gia thiếu nước trầm trọng, phải nhập khẩu từ bên ngoài. Rollingstone dẫn thống kê cho thấy hơn 600.000 người dân El Salvador không được tiếp cận nước sạch. Quốc gia này có thể cạn kiệt nguồn nước trong vòng 80 năm.
Giới chuyên gia nhận định, kể cả khi các kế hoạch mà Bukele thực hiện thành công, Bitcoin vẫn chỉ dành cho giới nhà giàu. "Để đầu tư Bitcoin, mọi người phải có thu nhập cao hơn mức trung bình để chống lại những đợt biến động giá. Nó không dành cho số đông người dân, những người chỉ có thu nhập 300 USD mỗi tháng", nhà kinh tế Carmen Tatiana Marroquín nói.
Theo Marroquín, Bukele và chính phủ El Salvador dường như đang "đánh bạc bằng tiền người dân" sau những lần "bắt đáy" Bitcoin, nhưng rồi tiền số này vẫn giảm liên tục. "Đến nay, các vấn đề liên quan đến Bitcoin ở El Salvador như một vụ tai nạn ôtô được tua chậm", Marroquín nói. Bà cũng cho biết quyết định thuộc về giới thượng tầng, nhưng người dân sẽ phải chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Bảo Lâm (theo Rollingstone)