Tại sự kiện Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá nhận thức và hành động về chuyển đổi số tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong báo cáo "Kết quả triển khai chuyển đổi số quốc gia đến quý III/2022", Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ ra những kết quả đạt được và còn tồn tại hạn chế trong từng lĩnh vực.
Hạ tầng số
Theo Bộ TT&TT, tính đến hết quý III/2022, tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định của Việt Nam đạt 76,16 Mbps, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 38,23 Mbps, tăng 12,8%.
Các doanh nghiệp viễn thông trong nước đã triển khai phủ sóng lõm viễn thông đến 2.143 thôn. Đáng chú ý, dịch vụ chuyển tiền bằng số điện thoại - Mobile Money, sau gần một năm triển khai đã có 2.186.004 thuê bao kích hoạt dịch vụ, tăng gấp năm lần so với tháng 1.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực hạ tầng số vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Việt Nam nằm trong nhóm 40-50 quốc gia có tốc độ truy cập mạng nhanh, nhưng đây mới là mức trung bình khá của thế giới, chưa tạo đột phá về hạ tầng phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Còn khoảng 118 thôn chưa có điện lưới để thực hiện xóa vùng lõm sóng viễn thông.
Nền tảng số
Việt Nam đã phát triển 35 nền tảng số quốc gia, trong đó 31 nền tảng đã đưa vào sử dụng, 4 nền tảng đang thử nghiệm. Ngoài ra, có 50 nền tảng do Bộ TT&TT phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo phát triển. Trong đó, 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số. Bảy nền tảng số phục vụ người dân gồm: Bacsi24, Coccoc, Realvol, Map4D, Vexere, Tatu, Hocmai.
Bài toán đặt ra cho nền tảng số trong tương lai là phải tăng cường các yêu cầu, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về an toàn, an ninh mạng.
Chính phủ số
Trong tiến trình chuyển đổi số Việt Nam, Chính phủ số cũng đạt nhiều thành tựu. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đã phát huy hiệu quả để kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Tổng số giao dịch 9 tháng đầu năm đạt 433 triệu giao dịch. Trung bình mỗi ngày có khoảng 1,6 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP.
Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDL) cũng được xây dựng và đi vào hoạt động. Trong đó có CSDL quốc gia về dân cư; CSDL quốc gia về Bảo hiểm; CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc; CSDL quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp.
Trên trục liên thông văn bản quốc gia, trong 9 tháng đầu năm, đã có 4,7 triệu văn bản điện tử gửi, nhận, tăng 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tính đến tháng 9, 90% các cơ quan đã xử lý công việc trên môi trường điện tử và 70% lãnh đạo các cấp sử dụng chữ ký số cá nhân.
Tuy nhiên theo Bộ TT&TT, tỷ lệ cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở còn rất ít, mới đạt 9%. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hai chiều từ hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương với các cơ sở dữ liệu quốc gia còn nhiều vướng mắc. Nguyên nhân đến từ mức độ sẵn sàng từ hệ thống thông tin khác nhau, chưa giải quyết hiệu quả việc chia sẻ dữ liệu để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Cổng dịch vụ công quốc gia
Trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%. Cổng dịch vụ công quốc gia trong 9 tháng đầu năm đã có hơn 41,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, tăng hơn 1,75 lần so với cùng kỳ năm 2021. Hơn 2,3 triệu hồ sơ trực tuyến được thực hiện từ Cổng, tăng 2,6 lần. Hơn 2,2 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,1 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 9,6 lần so với năm ngoái.
Theo Bộ TT&TT, việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao có những chuyển biến tích cực về số lượng, nhưng người dân chưa thực sự thấy thuận tiện, dễ dùng.
Kinh tế số
Theo thống kê của Bộ, trong nửa đầu năm, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP là 10,41% trong khi năm 2021 là 9,6%. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đạt 20%.
Hiện doanh nghiệp công nghệ số ước đạt 67.300 doanh nghiệp, tăng gần 3.500 so với tháng 12/2021, đạt tỷ lệ 0,69 doanh nghiệp số trên 1.000 dân. 423.505 doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận và tham gia chuyển đổi số. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 7%, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 33%. Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 66%.
Xã hội số và đô thị thông minh
Kết thúc 9 tháng đầu năm, số lượng lượt tải mới các ứng dụng di động tại Việt Nam là gần 306 triệu lượt. Tổng thời lượng sử dụng các nền tảng số di động của Việt Nam là 934,68 triệu giờ. Tỷ lệ người dùng hàng tháng của các nền tảng Việt so với tổng số người dùng trên tất cả các nền tảng là 20,33%.
Đã có 37/63 địa phương ban hành đề án, kế hoạch phát triển đô thị thông minh và bước đầu cung cấp dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp. 45/63 địa phương đã triển khai trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp tỉnh.
Theo Bộ TT&TT, thách thức lớn trong tiến trình chuyển đổi số Việt Nam là đội ngũ công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi số. Việc phổ cập kỹ năng số cho lực lượng lao động làm việc trong các ngành nghề khác nhau và cho người dân chưa hiệu quả. Các nhiệm vụ về phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia còn chậm triển khai.
Khương Nha
Đồ họa: Tiến Thành