Chứng khoán

Ai chịu trách nhiệm khi để ông Trịnh Văn Quyết 'thổi' vốn điều lệ, phát hành 430 triệu cổ phiếu?

  • Chí Bình
  • Sat 27 08 2022

Vốn điều lệ 'lớn' nhanh như Thánh Gióng

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Bùi Phan Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, những cơ quan trên đã ban hành một số thông tư, quy định, quy chế quản lý, giám sát về chứng khoán và thị trường chứng khoán có nội dung không rõ ràng, không phù hợp các quy định của pháp luật.

Luật sư Bùi Phan Anh.

Ngoài ra, cơ quan chức năng xác định, Ủy ban Chứng khoán, HOSE và HNX thiếu kiểm tra, giám sát thành viên giao dịch, chậm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các tổ chức vi phạm, không ngăn chặn, hủy bỏ các giao dịch bất hợp pháp; để nhiều trường hợp vi phạm diễn ra có tổ chức, hệ thống, lặp lại nhiều lần, tại nhiều thời điểm khác nhau nhằm thao túng thị trường. Nhiều vi phạm xảy ra sau thời gian dài mới được phát hiện.

Hậu quả, vụ việc “bán chui” 57 triệu cổ phiếu năm 2017 và 74,8 triệu cổ phiếu vào tháng 1/2022 của ông Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch tập đoàn FLC.

Ngoài ra, việc tăng vốn điều lệ của một số công ty niêm yết có dấu hiệu bất thường khi góp vốn, đầu tư cổ phiếu, không được ngăn chặn xử lý, điển hình tại các mã cổ phiếu FLC khi bắt đầu niêm yết có vốn điều lệ là 77 tỷ đồng vào năm 2013 đã tăng lên 7.100 tỷ đồng trong năm 2021; cổ phiếu ROS tăng vốn điều lệ gấp 2.867 lần trước khi niêm yết cổ phiếu từ 1,5 tỷ đồng vào tháng 3/2014, lên 4.300 tỷ đồng vào tháng 3/2016 trước khi niêm yết trên sàn; cổ phiếu GAB tăng từ 60 tỷ năm 2016 lên 138 tỷ năm 2019 trước khi lên sàn.

Xâu chuỗi các sự kiện từ vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” đến hoạt động “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn FLC, Luật sư Bùi Phan Anh đánh giá, Trung tâm lưu ký Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước để nhiều doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng tham gia phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tài sản bảo đảm cho việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp là bất động sản, dự án, tài sản hình thành trong tương lai, cổ phiếu chưa được niêm yết... gây rủi ro cho người mua trái phiếu.

Điển hình như, cơ quan điều tra xác định, các công ty chứng khoán cho 1 nhà đầu tư mở nhiều tài khoản, nhiều tài khoản sử dụng chung 1 địa chỉ giao dịch; cho khách hàng giao dịch ký quỹ vượt tỷ lệ quy định, mua, bán khống chứng khoán; để một số công ty chứng khoán thông đồng với các nhà đầu tư mua/bán chứng khoán và chuyển tiền lẫn nhau, tạo cung/cầu giả... để thao túng thị trường.

Luật sư Phan Anh dẫn chứng, căn cứ Điều 9 Luật Chứng khoán 2019, Ủy ban chứng khoán Nhà nước có vai trò “trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán” nên cơ quan này phải có trách nhiệm liên quan.

Luật sư Phan Anh nhận định, trong vụ án này, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng rất tinh vi đến mức những bị hại (người mua cổ phiếu) đa phần không biết mình đang bị lừa bởi mác Tập đoàn FLC danh tiếng. Đến nay, cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nhà đầu tư mới ngã ngửa vì bị chính Chủ tịch công ty và đồng phạm lừa đảo bán cổ phiếu, nhằm chiếm đoạt tải sản.

"Trách nhiệm bồi thường, hoàn trả lại tiền cho nhà đầu tư thuộc về Tập đoàn FLC và các công ty liên quan" - ông Phan Anh nói.

Cựu Chủ tịch FLC có thể đối mặt mức án tù chung thân

 

Ông Trịnh Văn Quyết khi chưa bị bắt.

Trao đổi với phóng viên, luật sư Lâm Thị Mai Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, trước cáo buộc của cơ quan điều tra về việc ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên tới hơn 6 nghìn tỷ đồng, ông Quyết có thể phải đối diện với mức án kịch khung là tù chung thân.

Ngày 25/8/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã thi hành các quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC) và các cá nhân có liên quan về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại Điều 174 Bộ Luật hình sự 2015. Sự việc xảy ra tại Công ty CP Xây dựng FLC Faros và các công ty có liên quan.

“Trong vụ án này có đồng phạm, cơ quan điều tra sẽ làm rõ vai trò cụ thể, mức độ đóng góp của từng bị can trong việc cùng ông Quyết chiếm đoạt số tiền hơn 6.412 tỷ đồng. Nếu có căn cứ xác định các bị can còn lại đã giúp sức tích cực, tạo điều kiện thuận lợi để bị can Quyết lừa chiếm số tiền lớn, họ sẽ bị xử lý về tội danh và tình tiết định khung tương tự với vị cựu Chủ tịch FLC", bà Mai Anh nói.

Đối với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tội danh này chỉ cấu thành khi chủ thể của tội phạm đã thực hiện thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt số tiền từ 2 triệu đồng trở lên. Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định, tính đến ngày 24/2/2021, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do Quyết nhờ đứng tên), thu được tổng cộng 6.412 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.

Như vậy, cơ quan tố tụng đủ căn cứ xác định, số tiền chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên, cựu Chủ tịch FLC Quyết cùng các đồng phạm có thể đối mặt khung phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân, theo quy định tại Khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Luật sư Lâm Thị Mai Anh. Ảnh: Đ.H

Luật sư Mai Anh cho rằng, quá trình điều tra, cơ quan chức năng cần làm rõ số tiền chiếm đoạt trái phép được các bị can sử dụng vào mục đích gì, số tiền hiện đang ở đâu, được chuyển hóa thành các loại tài sản nào, để tiến hành niêm phong nhằm bảo đảm công tác thi hành án, trả cho bị hại.

Bộ Công an đã tiếp nhận 557 đơn của các nhà đầu tư

Ngày 7/6, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra thông báo tìm các nhà đầu tư (người bị hại) liên quan đến vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán", xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan. Đây là vụ án liên quan tới hành vi "thổi giá" cổ phiếu FLC, chiếm đoạt 530 tỷ đồng của ông Quyết và đồng phạm.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 5, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiếp nhận 557 đơn của các nhà đầu tư tố cáo hành vi thao túng thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh các tỉnh, thành đề nghị chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu về tài sản (bất động sản, cổ phần/góp vốn, cổ phiếu,...) đứng tên vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết và hai em gái của bị can này.

Theo đó, cơ quan điều tra đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu về tài sản (bất động sản, cổ phần/góp vốn, cổ phiếu,...) đứng tên bốn cá nhân. Những người này gồm: ông Trịnh Văn Quyết (cựu chủ tịch Tập đoàn FLC) và vợ ông Quyết, hai em gái ông Quyết là bà Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế.

Bên cạnh việc đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu, cơ quan điều tra còn đề nghị tạm dừng biến động (giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp,...) đối với tài sản (bất động sản, cổ phần/góp vốn, cổ phiếu,...) của các cá nhân nêu trên.

Minh Đức

TIỀN PHONG