Thông tin từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cho biết, trong tuần này sẽ thông báo về hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Trong thông điệp của mình, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng không công khai mức nới room cho từng ngân hàng, song khả năng chỉ một số ngân hàng thương mại được nới room.
Trước đó, Thống đốc cho biết, NHNN phân bổ tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng ngân hàng trên 2 tiêu chí. Đó là kết quả xếp hạng từng NH theo các tiêu chí và chấm điểm quy định tại Thông tư 52/2018 gồm vốn, chất lượng tài sản, quản trị điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản, mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường.
Đồng thời, xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như tiêu chí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tiêu chí tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tiêu chí ngân hàng tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém… để làm cơ sở điều chỉnh tăng/giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng trong quá trình phân bổ, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng.
Các ngân hàng có khả năng được nới room cao là Vietcombank, MBBank, HDBank, VPBank, VietinBank, BIDV, Agribank, ACB,...
Mới đây, SSI Research cho biết hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Như vậy, điều này tương đương với việc sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ về cho các ngân hàng, với mức dự báo hạn mức bổ sung sẽ vào khoảng 3-5%, tùy vào tình hình sức khỏe của từng ngân hàng.
Ngoài ra, đánh giá về triển vọng ngành ngân hàng trong nửa cuối năm, Chứng khoán Guotai Junan cho rằng, huy động tăng chậm ở nhiều ngân hàng là động thái chủ động để cân đối chi phí so với room tín dụng bị hạn chế của nhiều nhà băng. Sự chủ động cân đối tín dụng và huy động sẽ giúp mặt bằng tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) đi ngang trong nửa cuối năm.
Các chuyên gia phân tích của Chứng khoán Guotai Junan cũng cho rằng, sẽ khó xảy ra việc đua lãi suất huy động để đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (tỷ lệ 34%, áp dụng từ 1/10/2022) khi hầu hết các ngân hàng trong hệ thống đã đưa tỷ lệ này về ngưỡng an toàn tại thời điểm cuối quý 2. Tuy nhiên về mặt dài hạn, cân đối huy động và cho vay vẫn là bài toán lớn cho ngân hàng khi cho vay hiện nay vẫn tập trung vào phân khúc bđs và các khoản vay dài hạn trọng khi tiền gửi tập trung ở kỳ hạn ngắn là đặc tính riêng tại thị trường Việt Nam.
Chủ đề: Ngân hàng nới room tín dụng, Tin tức bất động sản Hà Nội,