TikTok trở thành chủ đề được quan tâm bậc nhất sự kiện Code Conference đầu tháng 9 tại Thung lũng Silicon. Đây là sự kiện thường niên, quy tụ những bộ não hàng đầu trong giới công nghệ, truyền thông và chính trị cùng thảo luận về những vấn đề quan trọng của giới công nghệ toàn cầu.
Scott Galloway, giáo sư marketing tại Đại học New York, cho rằng Mỹ nên cấm TikTok vì thuật toán này gây nghiện và có thể trở thành một kênh tuyên truyền không tốt. Mathias Döpfner, Giám đốc điều hành Axel Springer, cũng ủng hộ lập luận này, thậm chí gọi TikTok là "một công cụ cho hoạt động gián điệp".
Evan Spiegel, Giám đốc điều hành Snap, nhận định việc TikTok có hàng lượng người dùng khổng lồ là nhờ công ty mẹ ByteDance đã đầu tư hàng tỷ USD. Đây là số tiền mà các công ty khởi nghiệp của Mỹ không bao giờ có và họ cho rằng cuộc cạnh tranh đang diễn ra không công bằng giữa các ứng dụng. Cuộc tranh luận này hiện vẫn tiếp tục trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng.
Một cô gái đeo khẩu trang có logo TikTok. Ảnh: Reuters
Những lo ngại trên đã gia tăng sức ép lên các nhà hoạch định chính sách của Mỹ trong việc kiềm chế TikTok. Trong cuộc đối thoại với các chuyên gia công nghệ, họ quan tâm việc Mỹ nên nới lỏng kiểm soát ở mức độ nào.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với những lo ngại về TikTok. Theo nhà báo công nghệ Taylor Lorenz của Washington Post, những người chỉ trích TikTok mạnh mẽ nhất là cũng chính là những người đi reo rắc nỗi sợ hãi hơn là tập trung vào vấn đề liên quan đến luật, quyền riêng tư của người dùng. TikTok không gây ảnh hưởng đến các mạng xã hội của Mỹ như Facebook.
Một số khác cũng cho rằng các vấn đề về TikTok được nêu ở Code Conference là "sự bị đặt hoang đường" liên quan đến quyền riêng tư và tuyên truyền tư tưởng.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc thiếu minh bạch xung quanh mạng lưới TikTok sẽ là nỗi đau đầu của các nhà hoạch định chính sách Mỹ. Ứng dụng có nguồn gốc Trung Quốc này đang có nhiều động thái tương tự các gã khổng lồ công nghệ ở Thung lũng Silicon trong việc thu hút hàng chục triệu người dùng Mỹ. Họ tận dụng tối đa khung pháp lý còn dang dở để phát triển.
TikTok gặt hái được nhiều thành công từ những nội dung được đề xuất bởi AI. Ứng dụng được cho là thu thập lượng lớn dữ liệu người dùng. Nhiều danh mục trong số đó chưa được bảo vệ bởi luật pháp Mỹ. Trong khi đó, ByteDance đang sử dụng nguồn tài chính hùng mạnh của mình để mở rộng tầm ảnh hưởng, trong đó có việc chi hàng triệu USD để vận động hành lang chính trị.
Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donal Trump, TikTok từng đối mặt nguy cơ bị cấm cửa. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden có phần cởi mở hơn với mạng xã hội này và TikTok đang tận dụng lợi thế để tiếp tục mở rộng quy mô, đe dọa trực tiếp đến vị thế của các mạng xã hội như Twitter, Facebook, Instagram và YouTube.
Thảo Hiền (theo Fortune)