Viện Phát triển Quản trị Thụy Sỹ (IMD) vừa công bố Xếp hạng Cạnh tranh kỹ thuật số thế giới năm 2022. Theo đó, Nhật Bản đứng thứ 29/63 nền kinh tế được xếp hạng, tụt 1 bậc so với năm 2021. Đây cũng là hạng thấp nhất của Nhật Bản từ khi bảng xếp hạng được hình thành năm 2017.
Nhật Bản tiếp tục đứng sau các quốc gia và khu vực châu Á khác như Singapore (hạng 4), Hàn Quốc (hạng 8), Trung Quốc (17). Naoshi Takatsu, đối tác quản lý IMD Đông Bắc Á, nhận định không ghi nhận sự chuyển đổi nào tại Nhật Bản.
Những thiếu sót trong công nghệ kỹ thuật số ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên sân chơi quốc tế của Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)
Bảng xếp hạng chấm điểm dựa trên tri thức, công nghệ và tính sẵn sàng cho tương lai. Nhật Bản “tụt” mạnh nhất ở danh mục tri thức khi giảm tới 3 hạng, xuống hạng 28. Kết quả này do thiếu hụt nhân sự, kỹ năng số và kinh nghiệm quốc tế. Theo ước tính của Bộ Công nghiệp, Thương mại và Kinh tế, Nhật Bản sẽ thiếu khoảng 450.000 chuyên gia công nghệ thông tin (CNTT) trong năm 2030.
Dự báo dấy lên hồi chuông báo động, đặc biệt trong cộng đồng kinh doanh. Nhà phát triển tài sản Misubishi Estate đang đào tạo phân tích dữ liệu và công cụ kỹ thuật số khác cho 10.000 nhân viên, dù vậy, đây chỉ là trường hợp ngoại lệ.
Một vấn đề khác là 70% nhân sự CNTT trong nước tập trung trong các công ty CNTT. Nó là kết quả của việc các doanh nghiệp không hoàn toàn loại bỏ cách thức trả lương theo thâm niên để chuyển sang dựa trên bộ kỹ năng và trình độ. Trong khi đó, các chuyên gia công nghệ đủ năng lực và có thể bắt tay vào làm ngay lại thiếu, việc đào tạo không theo kịp nhu cầu.
Đứng đầu danh sách của IMD là Đan Mạch, quốc gia vừa triển khai cổng borger.dk để công dân truy cập dịch vụ chính phủ bất kỳ lúc nào. Mỹ nhường chỗ cho Đan Mạch và trở thành “Á quân”, còn Thụy Điển đứng thứ ba.
Khác với Nhật Bản, doanh nghiệp phương Tây thường trả lương theo tầm quan trọng của công việc, không theo thâm niên. Họ cũng tuyển nhiều kỹ sư nội bộ. Ngược lại, doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng giao việc phát triển phần mềm và hệ thống cho bên ngoài, theo Kunihiro Tanaka, Chủ tịch Sakura Internet – nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn của Nhật Bản.
Xét về “tính sẵn sàng cho tương lai”, Nhật Bản giảm 1 bậc xuống hạng 28. Danh mục này đo lường các tiêu chí như khả năng thích ứng với công nghệ số, tiến độ của các giải pháp Chính phủ số và năng lực an ninh mạng. Điều kìm hãm Nhật Bản chính là không đủ nhanh nhạy trong kinh doanh. Chẳng hạn, Panasonic phải quản lý hơn 1.200 hệ thống khác nhau, thiếu sự phối hợp giữa dữ liệu và ảnh hưởng đến việc truy cập thông tin cần thiết, làm chậm tốc độ ra quyết định.
Thứ hạng cao của Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc một phần là do sự nhanh nhạy kinh doanh của mỗi quốc gia. Trong thời kỳ Covid-19, quan chức Nhật Bản vẫn dùng máy fax để thu thập dữ liệu về các ca bệnh và hệ thống chính phủ không thể làm việc cùng với nhau.
Cơ quan Kỹ thuật số được thành lập tháng 9/2021 với nhiệm vụ dẫn dắt nỗ lực chuyển đổi số của các tổ chức chính phủ. Dù vậy, Thủ tướng Yoshihide Suga đã quyết định từ chức không lâu sau đó, ảnh hưởng đến đà phát triển của cơ quan này. Thủ tướng Fumio Kishida đang thúc đẩy Digital Garden City Nation, tầm nhìn tạo ra 2,3 triệu lao động kỹ thuật số trong 5 năm. Tuy nhiên, giới quan sát chỉ ra có nhiều khoản chi bất hợp lý trong kế hoạch.
Theo Nikkei, Nhật Bản có dấu hiệu dần mất vị thế trên sân chơi toàn cầu. Muốn đảo ngược tình hình cần làm mới trọng tâm vào các vấn đề mang tính cấu trúc và nhận ra rằng chỉ mình công nghệ không phải là giải pháp. “Bất kể có bao nhiêu chuyên gia CNTT đi nữa, nếu họ không có thẩm quyền thay đổi hoạt động kinh doanh, mọi thứ sẽ vẫn như cũ”, Ichiro Satoh, Giáo sư Viện Tin học Quốc gia chia sẻ.
Du Lam (Theo Nikkei)