Nhớ lại ngày mới đón con 5 tuổi từ quê vào TP HCM năm 2019, chị Nguyễn Thị Duyên (quận Bình Thạnh) loay hoay cả tháng tìm trường mầm non cho bé. Là lao động nhập cư, người mẹ trẻ mất nhiều ngày tìm kiếm trên mạng và website của quận, ngành giáo dục, hỏi thăm hàng xóm, kể cả lái xe máy lòng vòng khu vực quanh nhà để tìm trường. Tiêu chí của chị, ngoài chất lượng trường phải cách nhà không quá hai cây số, tốt nhất nằm dọc đường đi làm của hai vợ chồng.
"Phải nói là khá vất vả khi tìm từ con số 0", chị kể và cho biết nếu lúc đó nếu có một phần mềm để xem thông tin tất cả trường của quận sẽ rất thuận tiện cho phụ huynh tìm trường.
Bản đồ số của ngành giáo dục hiển thị các trường mầm non dọc tuyến từ quận Bình Thạnh đến quận Gò Vấp, đường đi làm của chị Duyên. Ảnh chụp màn hình
Mong muốn của chị Duyên được Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM hiện thực hoá khi vừa qua ra mắt Bản đồ thông tin giáo dục TP HCM, dựa trên khai thác nền tảng dữ liệu đất đai của Sở Tài nguyên và Môi trường. Nền tảng này chính là 450 tệp dữ liệu tài nguyên và môi trường của toàn thành phố, gồm nhiều thông tin như phân khu; diện tích đất; quy hoạch, mục đích sử dụng đất...
Dựa trên những dữ liệu quy hoạch có sẵn, Sở Giáo dục và Đào tạo đã "chồng" lên lớp dữ liệu trường học. Sản phẩm được tạo ra là bản đồ số, cung cấp miễn phí thông tin về toàn bộ trường học các cấp (trừ đại học) trên thành phố, chi tiết đến từng phường, xã. Khi chọn một trường trên bản đồ, phụ huynh có thể xem thông tin như vị trí, hiệu trưởng, tình trạng kiểm định, website, chương trình đào tạo...
"Một trong những ứng dụng nổi bật của bản đồ là giúp phụ huynh dễ dàng tìm trường cho con theo phạm vi địa lý, trên trục đường đi làm hay trong một đơn vị hành chính như phường hoặc quận", ông Nguyễn Hồng Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm thông tin và Chương trình giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, lý giải lợi ích.
Theo ông Tuấn, trước đây các dữ liệu của sở chỉ lưu trữ nội bộ, phục vụ quản lý. Tuy nhiên, khi được số hóa thành bản đồ có thể phục vụ rộng rãi người dân. Ngành giáo dục thành phố muốn phát triển ứng dụng này với mục tiêu thu thập dữ liệu vị trí của tất cả học sinh trong thành phố. Lợi ích gần là ngành có thể so sánh mật độ trường học và học sinh để chọn vị trí xây trường phù hợp. Xa hơn, sở kỳ vọng công cụ giúp thành phố tuyển sinh theo khoảng cách, thay vì theo địa giới hành chính như hiện nay.
Cũng dựa trên trục liên thông dữ liệu của ngành tài nguyên môi trường, UBND quận Bình Tân phối hợp cùng nhiều đơn vị phát triển ứng dụng "Bản đồ không ảnh tích hợp" để quản lý đất đai và xây dựng, dự kiến ra mắt vào tháng 9. Ứng dụng cung cấp không ảnh của quận Bình Tân qua các thời kỳ, kết hợp các lớp bản đồ thông tin địa lý (GIS) chuyên đề, cho phép đối chiếu không ảnh và các lớp dữ liệu trên cùng một bản đồ nền của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Theo Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân Vũ Chí Kiên, bản đồ không ảnh đặc biệt hữu ích trong kiểm tra quá trình sử dụng đất, trật tự xây dựng và giải phóng mặt bằng. Ứng dụng giống như "một trợ lý khoa học" giúp chính quyền đưa ra kết luận có tính thuyết phục cao khi giải quyết kiến nghị, vướng mắc của người dân.
Ông Kiên dẫn chứng khi giải phóng mặt bằng, địa phương sẽ xây dựng hồ sơ của từng trường hợp giải tỏa. Khi đó nhiệm vụ của chính quyền là phải xác định quá trình sử dụng đất là đất nông nghiệp hay đất ở, thời điểm hình thành và quy mô công trình để có chính sách bồi thường phù hợp. Tuy nhiên, việc này không dễ dàng, bởi quận phải kiểm chứng được quá trình sử dụng đất thông qua hồ sơ lưu trữ tại phường. Chưa kể nhiều hồ sơ nhà đất hơn 20 năm về trước thường không đầy đủ, mất nhiều thời gian tìm kiếm, khó có hình ảnh thực tế đối chứng.
Không ảnh năm 2012 (trái) và 2019 trên đường Chiến Lược, phường Tân Tạo và Bình Trị Đông A, cho thấy biến động xây dựng. Ảnh: UBND quận Bình Tân
Với dữ liệu không ảnh mà Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp, công việc kiểm tra chỉ mất vài phút thay vì nhiều ngày. Ví dụ, người dân khai xây nhà và sử dụng liên tục từ 2005, nhưng quận kiểm tra không ảnh thấy thửa đất đó năm 2009 chưa có công trình, chứng tỏ thông tin của người dân chưa trung thực. Hoặc người dân khai đã xây nhà 200 m2 và dùng ổn định từ 2005 tới nay, nhưng kiểm tra không ảnh năm 2012 thấy nhà chỉ rộng khoảng 100 m2, sau đó chủ hộ lấn ra qua từng thời kỳ.
"Đây là dữ liệu quan trọng để xác định quá trình sử dụng đất và đưa ra chính sách bồi thường phù hợp, hoặc xác định xử phạt xây dựng sai phép", ông Kiên nói. Trước khi có nền tảng dữ liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, Bình Tân thường phải tham khảo không ảnh theo thời kỳ thông qua các nguồn như Google Earth, nhưng các dữ liệu này không đáng tin cậy bằng thông tin do cơ quan nhà nước xây dựng.
"Nếu không có bản đồ của ngành, chúng tôi phải xin dữ liệu gốc, rồi thuê đơn vị xử lý, rất mất thời gian, chi phí", ông Kiên nói.
Tại TP Thủ Đức, dữ liệu của ngành tài nguyên môi trường cũng giúp chính quyền thành phố xây dựng ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý TP Thủ Đức. Thành phố cập nhật thêm 88 lớp dữ liệu trên tất cả lĩnh vực như hạ tầng đô thị, quy hoạch, xây dựng, y tế, giáo dục, tôn giáo, du lịch... để người dân truy cập và tìm kiếm tuỳ mục đích sử dụng.
Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Kỳ Phùng nhận định việc công khai trục liên thông dữ liệu của ngành tài nguyên môi trường giống như "xoá độc quyền sở hữu" trong dữ liệu đất đai. "Nếu tất cả dữ liệu chỉ bỏ trong kho của Sở Tài nguyên và Môi trường thì đó chỉ là bản đồ chết, ai có nhu cầu gửi công văn đến, như vậy rất phí phạm", ông Phùng nói và cho biết khi ngành tài nguyên môi trường chuẩn hóa, công khai, các ngành khác không phải làm lại từ đầu, chỉ việc tải về dùng.
Nhiều ứng dụng công nghệ, liên thông hệ thống dữ liệu được áp dụng ở khâu giải quyết thủ tục hành chính ở UBND TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Trần
Một trong những ứng dụng mới mà TP Thủ Đức đang kết hợp Sở Tài nguyên và Môi trường để xây dựng là bản đồ số so sánh quy hoạch và hiện trạng đất. Ví dụ, một vị trí được quy hoạch đất sông rạch, ao hồ, nhưng đang xây biệt thự; dự án đô thị lấn ranh được cấp phép; hay công trình mới xây trên đất được quy hoạch làm dự án sẽ dễ dàng được xác định nhờ ứng dụng.
"Kho dữ liệu này giống như mỏ quặng mở cửa cho tất cả cơ quan đến khai thác. Chỉ khác ở chỗ là càng nhiều người khai thác thì tài nguyên này không ít đi, mà giàu có hơn", ông Bùi Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, đơn vị phát triển ứng dụng, so sánh.
Theo ông Sơn, tất cả dữ liệu cơ quan nhà nước thu thập được đều có ý nghĩa, nhưng chưa được công bố để người dân và các tổ chức khai thác, sử dụng. Định hướng của Sở Tài nguyên và Môi trường là cung cấp quyền khai thác dữ liệu theo thời gian thực, tuỳ mức độ cho cả khu vực ngoài nhà nước.
Là người chủ trì đề án Cổng thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường TP HCM và Hệ thống trục tích hợp các dịch vụ web ngành tài nguyên môi trường, ông Sơn kỳ vọng đây là khởi đầu tích cực cho tương lai quản trị thành phố "trên một trang giấy" - tức bản đồ số và các dashboard (bảng điều khiển kỹ thuật số) cập nhật dữ liệu theo thời gian thực.
Bản đồ số sẽ là công cụ giúp chính quyền thành phố quản trị bằng dữ liệu, có được cái nhìn toàn cảnh, nhưng vẫn nắm bắt tình hình ở những khu vực nhỏ nhất. "Hãy hình dung lãnh đạo đi họp hoặc ra thực địa không còn cầm bản đồ giấy nữa, mà sử dụng một iPad và xem tất cả dữ liệu trên một nền tảng. Công cụ này sẽ mở ra bước chuyển đổi số quan trọng trong quản trị công", ông Sơn nói.
Thu Hằng