Đánh giá này được bà Stephanie Davis, Phó chủ tịch Google châu Á Thái Bình Dương, phụ trách khu vực Đông Nam Á, đưa ra tại sự kiện Cùng nhau làm chủ tương lai, do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Google tổ chức sáng 15/7.
Theo bà, Việt Nam có nhiều tiềm năng khai phá thông qua quá trình chuyển đổi số. Dẫn báo cáo từ tổ chức AlphaBeta, bà cho rằng quá trình này có thể mang lại giá trị kinh tế đạt 74 tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, để có được con số trên, việc nâng cao kỹ năng số cho sinh viên và người đi làm là một trong ba nhiệm vụ cần thực hiện, bên cạnh phát triển hệ sinh thái công nghệ trong nước và ươm mầm cho thương mại điện tử
Bà Stephanie Davis tại sự kiện sáng 15/7.
Một báo cáo được Google và Temasek thực hiện từ năm 2015 về nền kinh tế số Đông Nam Á đã nêu ra sáu trở ngại đối với việc tối ưu hóa một hệ sinh thái số. Theo bà Davis, Việt Nam loại bỏ được hầu hết các trở ngại đó, trừ câu chuyện nhân lực. "Vấn đề nhân lực của Việt Nam mà chúng tôi thấy ở đây không phải về năng lực mà là về số lượng", bà nói.
Đại diện Google cho rằng Việt Nam cần đào tạo nhiều nhân lực hơn với những kỹ năng phù hợp. Hiện nay, cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực số ngày càng nhiều, trong khi lực lượng lao động cung ứng lại thiếu hụt.
Để hỗ trợ thực hiện việc này, gã khổng lồ công nghệ cho biết sẽ triển khai hai chương trình tại Việt Nam, gồm Google Career Certificates và Startup Academy Vietnam.
Trong đó, Google Career Certificates là chương trình học nghề có thể tham gia trực tuyến, với năm khóa học: Hỗ trợ IT, Quản trị Dự án, Phân tích Dữ liệu, Thiết kế Trải nghiệm người dùng, và Tiếp thị Kỹ thuật số và Thương mại điện tử. Còn Startup Academy Vietnam hỗ trợ kết nối các nhà khởi nghiệp Việt Nam với các cố vấn và nhà đào tạo từ Google, giúp phát triển kỹ năng lãnh đạo, vận hành doanh nghiệp, quản lý sản phẩm.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, đánh giá việc hợp tác giữa NIC và Google để tổ chức hai chương trình trên giúp thu hẹp khoảng cách số, cung cấp nhiều hơn cơ hội học tập và phát triển cho những nhân tài và doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam. "Đây là điều cần thiết và kịp thời để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hướng tới nền kinh tế số ở Việt Nam", ông nói.
Lưu Quý