Thông tin được Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP HCM Lâm Đình Thắng đưa ra tại cuộc họp kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm, sáng 4/8. Hệ thống sẽ hiển thị thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân trên biểu đồ nhiệt, bản đồ số, qua đó thể hiện sự hài lòng của người dân tới từng địa phương.
"Hệ thống này giúp Thường trực UBND, Thành uỷ TP HCM dễ giám sát, có thể lập tức nhắn tin yêu cầu lãnh đạo địa phương, sở ngành xử lý", ông Thắng nói và cho biết các đơn vị báo cáo kết quả trên nền tảng này đến lãnh đạo thành phố.
Từ đầu năm đến nay, tổng đài 1022 của thành phố đã tiếp nhận 22.470 kiến nghị đến các quận huyện, sở ngành, và khối doanh nghiệp. Lĩnh vực nhận phản ánh nhiều nhất là trật tự đô thị, tài nguyên môi trường. Ở cấp địa phương, TP Thủ Đức là nơi nhận nhiều phản ánh nhất, trong đó cao nhất là phường Hiệp Bình Chánh. Với từng người dân, thành phố cũng có thể theo dõi số lần phản ánh và nội dung nào phải phản ánh nhiều lần.
Song song đó, ngành thông tin truyền thông thành phố đang hoàn chỉnh dashboard (bảng điều khiển kỹ thuật số) về cổng thông tin đối ngoại giữa doanh nghiệp và chính quyền theo thời gian thực. Từ 3/8 đến nay, cổng này đã nhận 145 câu hỏi của doanh nghiệp nước ngoài. Trong đó, Cục Thuế là đơn vị nhận nhiều nhất - 130 phản ánh, sau đó là Cục Hải quan.
"Hai kênh tiếp nhận thông tin này sẽ là cơ sở dữ liệu lớn giúp phân tích tình hình thành phố theo lĩnh vực, làm cơ sở minh chứng cho điều hành của thành phố", ông Thắng nói.
Một mục tiêu khác Sở này dự kiến trong năm nay là hoàn thành cổng dịch vụ công của thành phố, kết nối cổng dịch vụ công quốc gia và cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an. Mục tiêu của chính quyền thành phố là 100% thủ tục hành chính của TP HCM có thể thực hiện mức độ 3, 4, tức trực tuyến toàn phần. Cổng dự kiến được công bố cuối tháng 10.