Nhận định trên được ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) đưa ra tại tọa đàm chuyển đổi số trong Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế 2022, sáng 18/8.
Ông Nguyễn Văn Khoa tại sự kiện sáng 18/8. Ảnh: Vinasa
Theo ông Khoa, tầm quan trọng của việc xây dựng, chuẩn hóa, quản lý và khai thác dữ liệu trên phạm vi quốc gia là điều không thể phủ nhận. Chính phủ cũng đã có yêu cầu về việc tránh tư duy "cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu". Đồng thời cần tạo kho dữ liệu dùng chung để giúp người dân và doanh nghiệp thuận tiện trong việc tiếp cận dịch vụ công một cửa. Thực tế đến nay, cổng dữ liệu quốc gia có 10,6 nghìn tập dữ liệu mở sau gần hai năm vận hành. Con số này bằng 10% ở Australia và 0,75% châu Âu. Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa có các quy hoạch cho nền tảng dữ liệu và chia sẻ dữ liệu.
"Điều này dẫn đến các 'nỗi đau' lớn, khi người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn khi cần tìm hiểu, tra cứu thông tin vì thiếu nguồn chính thống; mất thời gian khi thực hiện các dịch vụ công, và chưa thể tiếp cận đầy đủ các dịch vụ thông minh", Chủ tịch Vinasa nhận định.
Còn ở phía chính quyền các tỉnh và thành phố, ông Khoa cho rằng thực trạng này khiến họ gặp khó khăn khi cần kết nối với các hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia, dữ liệu chuyên ngành, từ đó chậm chuyển đổi số, tốn nhiều thời gian nhập, quản lý, tra cứu dữ liệu.
Lấy ví dụ tại Thừa Thiên Huế - tỉnh vốn có nhiều năm ở nhóm dẫn đầu cả nước về các chỉ số chuyển đổi số, ông Khoa cho biết tỷ lệ khai thác dữ liệu tại đây cũng chưa quá 5%. "Như nhiều địa phương khác, Thừa Thiên Huế chưa có chiến lược về dữ liệu. Các dữ liệu hiện tản mát ở nhiều nơi, dẫn đến giảm hiệu quả khai thác và tái sử dụng. Các sở, ngành trong tỉnh bị đánh giá chưa làm chủ dữ liệu, đồng thời thiếu chuyên gia khai phá dữ liệu để giải quyết các bài toán theo từng lĩnh vực", ông đánh giá.
Hiến kế cho Thừa Thiên Huế cũng như các địa phương khác trong cả nước, các chuyên gia cho rằng tỉnh "cần đi đầu trong phát triển hạ tầng dữ liệu nếu muốn tạo đột phá". Việc phát triển này bao gồm: nền tảng thu thập, kết nối liên thông, chia sẻ, phân tích dữ liệu; hệ thống chính sách trong việc hoạch định, chia sẻ dữ liệu để phá vỡ tình trạng cát cứ dữ liệu; đồng thời cần phát triển con người, tức các chuyên gia khai phá dữ liệu.
"Những đột phá, đi đầu về tư duy, hoạch định, quản lý, và chia sẻ dữ liệu sẽ tạo ra sự đột phá chuyển đổi số, đột phá về phát triển kinh tế số, xã hội số cho Thừa Thiên Huế", ông Khoa nhận định.
Tuần lễ Chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế 2022 diễn ra trong ba ngày, từ 17 đến 19/8. Huế là một trong những địa phương đi đầu trong công tác chuyển đổi số tại Việt Nam. Trong hai năm 2020 và 2021, chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh của Thừa Thiên Huế ở vị trí thứ hai toàn quốc.
Lưu Quý