Thủ tướng chủ trì hội nghị chuyên đề về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính - Ảnh: VGP
Sáng 15-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị chuyên đề về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Cần thay đổi tư duy, hành động
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ trong bối cảnh tình hình có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nên cần phải giữ vững sự ổn định trong sự bất định; giữ vững thế chủ động trong sự bị động; giữ được kiên định và nhất quán trong bối cảnh chuyển đổi và xáo trộn; thiết lập công cụ quản lý rủi ro trong suy thoái và khủng hoảng.
Theo đó, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định cải cách hành chính là một trong những thành tố cấu thành quan trọng của đột phá thể chế phát triển (một trong ba đột phá chiến lược). Trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh…
Để thực hiện thành công nhiệm vụ quan trọng này, Thủ tướng cho rằng cần có đổi mới về nhận thức, tư duy lẫn hành động. Mục tiêu nhằm khơi dậy và huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp.
Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cũng chỉ ra, từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định kinh doanh.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định; đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện số hóa hồ sơ, thủ tục hành chính còn tương đối thấp, khi mới có khoảng 5,92% kết quả giải quyết được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng.
Tương tự, chỉ có 17,5% hồ sơ được số hóa nhưng chủ yếu mới chỉ dừng ở mức chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử tại giai đoạn tiếp nhận hồ sơ, mà chưa thực hiện đầy đủ quy trình số hóa tại giai đoạn xử lý, trả kết quả theo đúng quy định.
Văn phòng Chính phủ đánh giá, việc triển khai số hóa cũng chậm, có nơi còn lúng túng và chưa triển khai tập huấn nội bộ, kết nối, tích hợp; chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh còn chậm.
Nhiều thủ tục còn chồng chéo
Văn phòng Chính phủ cũng đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành phần lớn vẫn theo phương thức thủ công truyền thống, chủ yếu dựa trên giấy tờ dẫn đến chưa kịp thời, thiếu chính xác, chưa rõ trách nhiệm giải trình và chưa cá thể hóa được trách nhiệm cá nhân; kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ còn chưa nghiêm.
Trong khi đó, cải cách thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt liên quan tới đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, nội vụ, lao động, việc làm, y tế, giáo dục, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu,… còn nhiều rào cản, quy định chồng chéo, phân cấp, phân quyền chưa đầy đủ, rõ ràng, gây bức xúc trong xã hội.
Việc trình và thực thi phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục còn chậm trong khi việc tham vấn, lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp chưa được quan tâm thực hiện rộng rãi.
Vì vậy, giải pháp trong thời gian tới, Văn phòng Chính phủ yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách. Thực hiện có hiệu quả việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh; đẩy mạnh phân cấp, tiếp tục hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy chuyển đổi số…
Không chỉ áp dụng công nghệ "bốn chấm không", đơn vị tôi còn triển khai cả một bộ máy "năm chấm không" nữa...
NGỌC AN