Công ty TNHH Năng lượng REE - công ty con của CTCP Cơ Điện Lạnh (mã REE) vừa thông báo đã hoàn tất mua thêm 4 triệu cổ phiếu của CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (mã VSH) qua đó nâng tỷ lệ sở hữu từ 50,45% lên 52,15% và chính thức trở thành công ty mẹ nắm quyền chi phối. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận trong khoảng thời gian từ 19/09-17/10/2022.
Giao dịch của Năng lượng REE được thực hiện trong giai đoạn cổ phiếu VSH liên tục sụt giảm mạnh. Từ vùng đỉnh, cổ phiếu này có thời điểm đã giảm gần 30% xuống đáy 5 tháng trước khi quay đầu hồi phục vào đầu tuần trước. VSH hiện đang dừng ở mức 36.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 10% so với đáy nhưng vẫn thấp 21,5% so với đỉnh.
REE mua thêm trong giai đoạn VSH liên tục giảm mạnh
VSH được xem là "con gà đẻ trứng vàng" của REE khi đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh ấn tượng quý 2 nhờ tình hình thủy văn thuận lợi. Trong kỳ, lãi ròng của VSH tăng mạnh đến 90% so với cùng kỳ, đạt 257 tỷ đồng. Biên lãi gộp cao ngất ngưởng với 61,8%, tăng đáng kể so với con số 53,2% cùng kỳ. Theo giải trình của công ty, đà tăng trưởng đến từ sản lượng điện tăng và giá bán bình quân cao hơn cùng kỳ.
Chủ lực trong mảng năng lượng khởi sắc giúp lợi nhuận của REE cũng tăng trưởng mạnh. Theo báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2022, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ của doanh nghiệp này tăng hơn 61% so với cùng kỳ, lên mức 1.290 tỷ đồng. Công ty cho biết kết quả khả quan đến từ việc VSH đã vận hành Nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum.
Trong báo cáo mới đây, Mirae Asset kỳ vọng REE sẽ thúc đẩy quá trình đàm phán giá bán của Thượng Kon Tum với EVN cũng như hỗ trợ về quản trị tài chính cho VSH trong quá trình hoạt động. Bên cạnh đó, CTCK này cho rằng GENCO3 sẽ tiếp tục kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại VSH khi Thượng Kontum đi vào hoạt động ổn định và hoàn thiện đàm phán giá bán mới với EVN.
Theo Mirae Asset, VSH sẽ được hưởng lợi chính từ quá trình tự do hóa thị trường điện. Cụ thể, giá than và khí nhập khẩu đã tăng lần lượt 5 và 3 lần kể từ đầu năm 2021, nâng giá thành sản xuất của các nguồn điện này lên đến 2.000 đồng/kWh trong khi thủy điện chỉ duy trì ở mức dưới 1.000 đồng/kWh. Nhờ giá chào bán CGM thấp của thủy điện, EVN đã đề xuất huy động tối đa nguồn điện này để bù đắp cho sự thiếu hụt của nhiệt điện than và khí.
Đồng thời, các cam kết của Việt Nam tại COP26 nhằm đưa mức phát thải CO2 về 0 vào năm 2050 cũng như kế hoạch chuyển dịch từ các nguồn năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo sẽ góp phần tối ưu tỷ lệ huy động thủy điện. Trong giai đoạn 2020-2022 (7T đầu năm), nhờ thủy văn thuận lợi, tỷ lệ huy động thủy điện đã không ngừng tăng từ 21% lên 33% và là một trong những nguồn điện được ưu tiên huy động nhất.
Hà Linh
Nhịp Sống Kinh Tế