Thị trường chứng khoán vừa trải qua quý 3 tương đối ảm đảm trong bối cảnh chỉ số VN-Index giảm sâu, thậm chí lọt top những chỉ số có diễn biến kém tích cực nhất thế giới. Đáng chú ý, điểm số giảm song khoản liên tục sụt giảm, rơi về mức 10.000 – 14.000 tỷ/phiên. Không ít phiên giao dịch ghi nhận giá trị giao dịch khớp lệnh trên HoSE về mức thấp nhất hàng chục tháng với giá trị quanh ngưỡng 7.000 tỷ đồng. Do đó, khả năng cao một lượng tiền lớn đã được nhà đầu tư rút ra khỏi thị trường.
Theo ước tính, số dư tiền gửi khách hàng tại các CTCK vào cuối quý 3/2022 đạt khoảng 74.000 tỷ đồng, tiếp tục giảm 6.000 tỷ đồng so với con số cuối quý 2 trước đó. Nếu so với mức kỷ lục cuối quý 1/2022 là 100.000 tỷ đồng thì lượng tiền gửi bị rút ra xấp xỉ ngưỡng 26.000 tỷ đồng. Đây chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư chứng khoán theo phương thức CTCK quản lý. Lượng tiền này đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân vào thời điểm 30/9/2022.
Số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các CTCK giảm mạnh
Theo thống kê, VPS tiếp tục là CTCK có số dư tiền gửi khách hàng lớn nhất lên tới hơn 19.000 tỷ đồng. Việc dẫn đầu về thị phần môi giới trên cả 3 sàn và thị trường phái sinh giúp VPS có nhiều dư địa để sở hữu lượng lớntiền gửi nhà đầu tư trong tài khoản. tuy nhiên nếu so với quý 2 trước đó thì lượng tiền này đã sụt giảm hơn 3.600 tỷ đồng, ngắt chuỗi tăng liên tục nhiều quý trước đó của VPS. Đây cũng là con số giảm mạnh nhất trong nhóm các công ty chứng khoán.
Tương tự, phần lớn các CTCK đều ghi nhận lượng tiền gửi khách hàng sụt giảm mạnh hàng nghìn tỷ đồng so với cuối quý trước. Có thể kể tới như VNDirect, lượng tiền gửi đã giảm 1.600 tỷ xuống còn khoảng 6.500 tỷ đồng vẫn xếp ở vị trí thứ 2. Theo sau lần lượt là SSI (4.896 tỷ đồng), MBS (3.694 tỷ đồng), FPTS (3.218 tỷ đồng),… đều ghi nhận giảm sút trong quý 3 tại khoản mục này.
Ngược lại, VDSC ghi nhận lượng tiền gửi của nhà đầu tư tăng hơn 1.400 tỷ lên gần 3.000 tỷ đồng. VCSC (2.447 tỷ đồng), TCBS (3.062 tỷ đồng) hay Mirae Asset (3.884 tỷ đồng) cũng là những CTCK có lượng tiền gửi của nhà đầu tư tăng trưởng trong quý 3.
Hầu hết CTCK đều ghi nhận sự sụt giảm lượng tiền gửi của khách hàng
Số dư tiền trong tài khoản nhà đầu tư trong bối cảnh lượng tài khoản chứng khoản mở mới trong những tháng trở lại đây. Riêng trong tháng 9, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 102.244 tài khoản chứng khoán, giảm 34% so với tháng trước và chỉ bằng 1/5 so với giai đoạn bùng nổ hồi tháng 5-6 năm nay. Đây là lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội thấp nhất kể từ tháng 7/2021 và là tháng thứ 3 liên tiếp sụt giảm mạnh.
Trái ngược với sự vơi đi của lượng tiền trong tài khoản nhà đầu tư, dư nợ cho vay tại các CTCK lại bất ngờ tăng trở lại trong quý 3. Số liệu thống kê cho thấy con số này thời điểm cuối quý 3/2022 vào khoảng 160.000 tỷ đồng (~6,8 tỷ USD), tăng nhẹ khoảng 10.000 tỷ so với quý trước. Cũng cần lưu ý, đây là số dư nợ không bao gồm cho vay 3 bên. Nếu tính thêm nguồn này, con số thực tế có thể lớn hơn.
Thực tế, sau làn sóng “call margin” diễn ra trên diện rộng vào cuối quý 2, rất nhiều nhà đầu tư bị bán giải chấp cổ phiếu dẫn tới thua lỗ và một phần dòng tiền cũng đã rút khỏi thị trường. Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh hậu làn sóng COVID, các hoạt động phục hồi cũng kích thích một phần dòng tiền nhàn rỗi rút ra khỏi những kênh đầu tư như chứng khoán để chảy vào phục vụ sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, trong bối cảnh lãi suất có xu hướng tăng như hiện tại, chứng khoán phải đối diện thêm sự cạnh tranh gay gắt hơn tới từ các kênh tiết kiệm có độ an toàn cao hơn. Thống kê từ NHNN cho biết tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng liên tục tăng trong năm 2022, nâng tổng tiền gửi lên hơn 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 6,2% so với hồi đầu năm. Nhiều đánh giá cho rằng mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm nay do nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi.
Dù vậy, triển vọng dài hạn của TTCK vẫn được đánh giá tương đối khả quan. Chứng khoán ACBS cho rằng triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cao đến từ nền tảng kinh tế vĩ mô với triển vọng lạc quan trong dài hạn và sức khỏe tài chính của các công ty niêm yết. Làn sóng xử lý vi phạm trên thị trường gần đây sẽ có lợi cho sự phát triển bền vững lâu dài của thị trường.
Mặt khác, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và tăng trưởng thu nhập khả dụng sẽ hỗ trợ tiêu dùng trong nước tiếp tục tăng trưởng. Xu hướng chuyển dịch sản xuất trong dài hạn sang Việt Nam và sự hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước với nền kinh tế toàn cầu với 15 hiệp định thương mại song phương và đa phương tạo tiền đề cho Việt Nam sẽ tiếp tục thịnh vượng trong nhiều năm tới.
Việc phát triển thị trường vốn và việc nâng hạng Việt Nam thành thị trường mới nổi chỉ là vấn đề thời gian, điều này sẽ mở ra cánh cửa cho một lượng lớn vốn nước ngoài đổ vào thị trường.
Phương Linh
Nhịp Sống Thị Trường